Dùng chảo đã bị bong lớp chống dính, không dùng riêng thớt cho đồ sống và đồ chín, tái sử dụng dầu ăn... là những thói quen nấu nướng dễ rước bệnh tật vào người.
1. Nồi, chảo bị bong tróc lớp chống dính
Theo Aboluowang, lớp chống dính là vật liệu đặc biệt được phủ lên bề mặt kim loại nhằm tăng khả năng chống mài mòn cho nồi hoặc làm giảm độc tính của kim loại.
Trong quá trình vệ sinh xoong nồi, chúng ta được khuyên không nên dùng các dụng cụ sắc, cứng để tránh làm hỏng lớp chống dính này, gây trầy xước thậm chí bong tróc. Lớp chống dính ngăn các thành phần kim loại độc hại trên nồi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, một khi lớp này bị hư hỏng, các hạt vật liệu có thể lẫn vào thức ăn và đi vào cơ thể.
Nếu sử dụng nồi có lớp chống dính đã bong tróc để xào thức ăn trong thời gian dài, các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể ẩn chứa nguy cơ gây ung thư.
Chẳng hạn, chất benzopyrene thường được tạo nên trong quá trình chế biến các món chiên, rán hoặc nướng. Nếu dùng xoong chảo đã bong lớp phủ để nấu những món này, bạn sẽ có nguy cơ cao tiêu thụ nhiều chất benzopyrene, làm tăng khả năng mắc ung thư.
Để bảo vệ sức khỏe, nên quan sát kỹ xem nồi có bị trầy xước, bong tróc lớp chống dính hay không. Nếu phát hiện thấy, tốt nhất nên thay nồi mới.
2. Dùng chung thớt cho đồ sống và đồ chín
Dùng một thớt gỗ để cắt rau, thịt không phải là thói quen tốt. Vi khuẩn trong thịt sống sẽ lưu lại trên thớt, dù có rửa sạch sau đó cũng sẽ có vi khuẩn còn sót lại. Nếu đặt một ít thức ăn đã nấu chín lên thớt và cắt vào lúc này, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào thức ăn, theo thời gian sẽ có một lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể.
Thứ hai, nếu thớt gỗ được sử dụng quá lâu sẽ xuất hiện các vết nứt, nấm mốc... Thớt bị mốc tạo ra một chất độc hại gọi là aflatoxin. Aflatoxin được Tổ chức Y tế Thế giới liệt kê là chất gây ung thư cấp độ một.
Những thực phẩm bị nhiễm khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể con người và làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây đau dạ dày, trường hợp nặng có thể gây ung thư đường tiêu hóa.
Vì vậy, khi nấu nướng cần chú ý thay thớt. Ngoài ra, nên sử dụng thớt riêng cho thực phẩm sống và chín. Thớt đã qua sử dụng cần được làm sạch và sấy khô kịp thời để tránh vi khuẩn còn sót lại.
3. Để dầu ăn bốc khói mới nấu
Đây là thói quen của nhiều đầu bếp, cho rằng muốn có được mùi thơm của rau xào thì phải đợi khói dầu bay ra mới thêm nguyên liệu vào. Tuy nhiên, nhiệt độ dầu lúc này hầu hết đều trên 250°C. Dầu quá nóng sẽ giải phóng một lượng lớn chất gây ung thư, chẳng hạn như nitrosamine, axit béo thấp, acrolein, oxit... Ngoài ra, dầu ở nhiệt độ cao dễ bị oxy hóa quá mức, sinh ra các chất có hại, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Việc bổ sung một lượng lớn thực phẩm được chế biến khi nhiệt độ dầu quá cao cũng sẽ phá hủy các chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Thức ăn nếu được chiên rán bằng loại dầu này sẽ làm tổn thương hệ tiêu hóa, thậm chí gây ung thư hệ tiêu hóa.
Các loại dầu ăn phổ biến bao gồm dầu đậu phộng, dầu hạt cải, dầu đậu nành, dầu ô liu... có nhiệt độ thích hợp khác nhau để nấu ăn. Thông thường, nhiệt độ tối ưu cho dầu hạt cải khi nấu thức ăn trong khoảng 150-180 độ C, với dầu ô liu nên dưới 150 độ C.
Tiêu thụ thực phẩm được nấu bằng dầu mỡ nóng già trong thời gian dài dễ gây ung thư. Vì sức khỏe của gia đình, hãy tránh nấu thức ăn sau khi dầu đã bốc khói.
4. Tái sử dụng dầu ăn
Sau khi chế biến món chiên, nhiều người muốn tiết kiệm nên lọc hết lớp cặn và giữ lại dầu thừa cho những lần nấu tiếp theo. Tuy nhiên, thói quen này rất có hại cho sức khỏe.
Khi ở nhiệt độ quá cao, dầu sẽ sinh ra một lượng lớn chất độc hại, tái sử dụng loại dầu có nhiệt độ cao này để nấu nướng sẽ khiến axit béo trong dầu ăn tăng lên. Giữ thói quen này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mùi vị món ăn và gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.
5. Không cần rửa nồi
Khi chế biến nhiều món và phải nấu nhanh, người đầu bếp có thể không cọ rửa nồi sau mỗi lần nấu. Sai lầm này có thể gây nguy cơ ung thư.
Thông thường, sau khi chiên món đầu tiên, cặn thức ăn hoặc dầu mỡ còn sót lại sẽ bám dính trên bề mặt nồi. Việc tiếp tục nấu món tiếp theo mà không rửa nồi sẽ khiến cặn thức ăn, dầu mỡ được nung lại ở nhiệt độ cao và cháy sém, tạo ra chất gây ung thư benzopyrene trong thực phẩm.
6. Khói nấu ăn không được thoát ra ngoài
Một số người khi nấu nướng không bật hút mùi hay thông gió, khiến nhà đầy khói dầu và tường nhà còn dính vết dầu.
Trên thực tế, một lượng lớn khói dầu được thải vào không khí trong quá trình nấu ăn sẽ sinh ra nhiều chất độc hại. Ở lâu trong môi trường khói dầu, các chất độc này sẽ tiếp tục được hít vào cơ thể con người, gây ra các bệnh về đường hô hấp.
Chất độc hại nhất trong khói dầu thực chất là nitrosamine, chủ yếu được hình thành khi các sản phẩm thịt chế biến tiếp xúc với nhiệt độ cao. Khói dầu có thể gây ung thư thực quản, ung thư vòm họng và thậm chí ung thư phổi.
Một số nghiên cứu còn cho thấy 80% người mắc bệnh tim mạch, mạch máu não tiếp xúc với khói dầu trong thời gian dài. Khói dầu có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy, khi nấu ăn, bạn nên duy trì sự lưu thông không khí trong bếp, mở máy hút mùi và cửa sổ, đồng thời hạn chế hít phải khói dầu càng nhiều càng tốt để ngăn ngừa ung thư.
Comments